Bệnh nhân thứ nhất: bệnh nhân nam 64 tuổi địa chỉ Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bị ong Vò Vẽ đốt, tổng số 15 vết ong đốt, sưng nóng đỏ, đau nhiều vị trí ong đốt, có hoại tử trung tâm. Chẩn đoán: Ong vò vẽ đốt giờ thứ 4. Được xử trí theo phác đồ, sau 01 ngày điều trị, các triệu chứng thuyên giảm, sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân thứ 2: bệnh nhân nữ 53 tuổi, địa chỉ Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bị ong mật đốt, tổng số 01 vết đốt tại ngón 4 bàn tay phải sưng nề, nóng, đỏ, có điểm hoại tử đốt 1, chảy dịch, mu bàn tay phải sưng nề nhiều . Chẩn đoán: Viêm mô tế bào bàn tay phải/ ong mật đốt ngày thứ 2. Được điều trị theo phác đồ, sau 03 ngày điều trị, đỡ sưng nề đỡ đau, không còn chảy dịch tại vị trí vết đốt; sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân thứ 3: Bệnh nhân nam 47 tuổi, địa chỉ: Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bị ong Vò Vẽ, đốt tổng số 11 vết ong đốt vùng đầu, tay phải, sưng nóng đỏ đau nhiều vị trí đốt, có hoại tử trung tâm. Chẩn đoán: Viêm mô bào bàn tay phải/ Ong vò vẽ đốt giờ thứ 1. Được điều trị theo phác đồ, sau 01 ngày giảm các triệu chứng, sức khỏe ổn định.
KHUYẾN CÁO CỦA BÁC SĨ KHI BỊ ONG ĐỐT
Vào mùa hè, mùa phát triển của các loài ong, tình trạng ong đốt ngày càng phổ biến. Khi bị ong đốt ngoài việc xử trí vết thương, người bị ong đốt cần được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính khác vì gây nguy hiểm đến tính mạng. Những loại ong có nọc độc mạnh, có khả năng gây nhiều biến chứng toàn thân như: ong rừng, ong vò vẽ,...
Theo BS.CKI. Lê Văn Sơn - Trưởng khoa CC – HSTC & CĐ: mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào loài ong, vị trí vết đốt và số lượng vết đốt, trường hợp vết đốt nhiều (khoảng trên 15 nốt người lớn, trên 10 nốt ở trẻ nhỏ) bệnh nhân có nguy cơ bị suy thận cấp, rối loạn đông máu gây chảy máu không cầm, suy đa tạng, thậm chí là tử vong do nọc độc của ong, đặc biệt một số trường hợp có thể tử vong nhanh chóng do phản vệ mức độ nặng.
Theo BS. Nguyễn Thành Lộc, khoa CC- HSTC & CĐ: hàng năm bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh điều trị cho khoảng trên 40 bệnh nhân bị ong đốt, trong tháng 8 năm 2024 đã có hơn 20 bệnh nhân nhập viện vì ong đốt.
Xử trí khi bị ong đốt:
+Ngay lập tức đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có ong.
+Dùng móng tay hoặc nhíp loại bỏ ngòi độc của ong (nếu ong mật đốt cần lấy sớm sau khi bị ong đốt), không nặn bóp tránh gây tổn thương lan rộng.
+Tại vị trí ong đốt: rửa sạch bằng xà phòng, chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng
+Uống nhiều nước.
+Ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, đặc biệt những bệnh nhân có triệu chứng ngứa, đỏ da, tức ngực, khó thở, nôn sau khi bị ong đốt.
Cách phòng ngừa ong đốt :
+Không kích động, trêu, hoặc chọc phá tổ ong.
+Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc các phòng ( ong dễ làm tổ).
+Phát hiện sớm tổ ong, phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình; nên phá khi tổ ong mới xây. Cách loại bỏ tổ ong: dùng khói (không làm khi nguy cơ cháy, bình xịt diệt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng màn hoặc lưới mặt nhỏ bọc tổ ong và gỡ đi (tránh ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa, đầu đội mũ kín, đi găng.
+Khi vào rừng không xịt nước hoa có mùi ngọt, không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che chắn, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
+Khi ong bay đến chúng ta không chạy, cần đứng hoặc ngồi im.