Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. WHO cho rằng tình trạng kinh tế khó khăn, mái ấm gia đình bị đổ vỡ và nạn nghiện ngập là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ muốn kết liễu đời mình. Ngày thế giới phòng chống tự tử 10/9 hàng năm là hoạt động thúc đẩy cam kết và hành động trên toàn thế giới để phòng chống tự tử.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết vì tự tử. Cứ mỗi người chết vì tự tử thì có khoảng 20 người tự tử thất bại. Trước đây, vấn đề tự tử được xem như một vấn đề xã hội, ít được mọi người chú ý, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó cũng không kém phần dịch bệnh, đã cướp đi sinh mạng của con người. Tuy nhiên, tự tử là vấn đề hoàn toàn có thể ngăn ngừa và ngăn chặn được.

Những dấu hiệu thường thấy ở những người có ý định tự tử.

- Người có ý định tự tử thường nói về cái chết hoặc sự trừng phạt bản thân, ví dụ: “thà chết đi cho khuất mắt; chết khỏi khổ; chẳng còn gì quan trọng nữa…”;

- Chuẩn bị các phương tiện để tự tử;

- Họ tìm kiếm, chuẩn bị dao, kiếm, thuốc ngủ, dây hoặc thường tới những nơi có thể tự tử như hành lang nhà cao tầng, cầu, sông, hồ,…;

- Thể hiện sự quan tâm bất thường về cái chết, như làm thơ, viết nhật ký, tự truyện có đề cập đến cái chết và sự ra đi của mình;

- Bày tỏ sự vô vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Trong lời nói, thư từ, qua các thông tin trên trang facebooks, Zalo,.. của người có ý định tự tử thường thường thể hiện sự vô vọng, không cần thiết cuộc sống;

- Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, vô giá trị hoặc chán ghét bản thân. Họ thường nói về tội lỗi hoặc gánh nặng của bản thân mình đối với những người xung quanh;

- Sắp xếp lại tư trang, cho đi các đồ vật có giá trị hoặc liên lạc với các thành viên gia đình và bạn bè, như nhờ ai đó giúp gửi lời nhắn tới gia đình, tới người thân…;

- Có thể bất ngờ tới thăm hoặc gọi điện cho người thân và bạn bè và nói những lời vĩnh biệt hoặc nhắn gửi, ám chỉ sự chia tay…;

- Trong thời gian trầm cảm, bế tắc, người có ý định tự tử thường sống khép mình, tự cô lập mình với người thân, bạn bè…

Khuyến cáo phòng ngừa tự tử.

Việc ngăn ngừa tự tử cần bắt đầu từ khâu phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử để kịp thời tư vấn, ngăn chặn và cứu giúp. Để giúp đỡ người có ý định tự tử, các chuyên gia y tế khuyến cáo.

- Tìm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè của họ, liên lạc với các chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế để họ có các biện pháp trị liệu phù hợp; hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn.

-  Lắng nghe họ và khuyến khích họ nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ; hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, bệnh trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.

 - Hãy chủ động và tự tin vào khả năng giúp đỡ, cứu chữa của bạn sẽ ngăn chặn được tự tử, chủ động gọi điện hoặc tới thăm người có ý định tự tử để giúp đỡ họ; khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan như mời họ tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao…

- Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ, chia sẻ; di chuyển họ tránh xa những đồ vật có thể giúp họ tự tử như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ,….;

- Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự tử nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cân bằng tâm lý và ổn định cuộc sống.

Tóm lại, tự tử là một cái chết có thể được ngăn chặn. Điều quan trọng đối với mỗi chúng ta là không ngừng quan tâm, chăm sóc, sức khỏe tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng để phòng ngừa./.
 Nguồn tham khảo