Việc sản sinh hormon tuyến giáp chịu sự chi phối của tuyến yên và vùng dưới đồi.  Trong đó, vùng dưới đồi tiết ra TRH kích thích tuyến yên tiết TSH.  Sau đó, TSH theo máu xuống kích thích tuyến giáp tiết T3 và T4.  Khi nồng độ T3 và T4 trong máu tăng cao, việc tiết TSH của tuyến yên sẽ bị ức chế.
Sau khi được tiết ra, T3 và T4 giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa, sản sinh nhiều nhiệt và kích thích tăng nhịp tim, nhịp thở.
        Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng cường hoạt động, tức là tiết ra rất nhiều T3 và T4.  Do có nhiều 2 hormon này nên bệnh nhân bị cường giáp sẽ càng tăng tốc độ chuyển hóa, do đó càng sản sinh nhiều nhiệt, điều này làm họ cảm thấy nóng bức, ra nhiều mồ hôi (để thoát bớt nhiệt đi).  Đồng thời, tim của bệnh nhân cường giáp sẽ đập nhanh hơn, làm họ cảm thấy hồi hộp, dễ cáu gắt, dễ kích động.
        Một điều cần lưu ý là Basedow không phải cường giáp.  Thay vào đó, Basedow là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên cường giáp.  Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn, nhưng cũng có thể gây cường giáp là u độc tuyến giáp, u tuyến yên và mang thai.
        Basedow là gì?  Basedow là một bệnh lý mà trong đó, cơ thể sản sinh ra các kháng thể có tên là TRAb (TSH Receptor Antibody, tức là kháng thể thụ thể TSH).  TRAb có cấu trúc rất giống với TSH, nên nó cũng có thể kích thích tuyến giáp sản sinh T3 và T4.
Khi nồng độ T3 và T4 trong máu tăng cao, tuyến yên sẽ ngừng sản sinh TSH.  Tuy nhiên, cơ thể lại không thể dừng sản sinh TRAb, do đó TRAb vẫn tiếp tục kích thích tuyến giáp sản sinh ra thật nhiều T3 và T4, gây nên cường giáp.
        Vì tuyến yên ngừng sản sinh TSH nên nồng độ TSH sẽ giảm xuống, đồng thời nồng độ hormon tuyến giáp T3 và T4 tăng rất cao do tuyến giáp bị kích thích bởi kháng thể trên.  Xét nghiệm kháng thể TRAb sẽ định lượng được nồng độ của TRAb trong máu bệnh nhân.
Xét nghiệm trong bệnh Basedow: nồng độ T3 và T4 tăng, nồng độ TSH giảm và có kháng thể TRAb trong máu bệnh nhân.


Nguồn : medical knowledge